Vào đời Hùng Vương thứ sáu, thiên hạ bình yên; dân gian sống trong cảnh thái bình. Vua Hùng không triều cống nhà Ân bên Tàu. Thấy vậy, vua nhà Ân sai người giả đi tuần thú, tìm cách xâm chiếm nước Nam.
Hùng Vương lo sợ, cho vời quần thần vào để hỏi mưu mẹo đánh giặc ngoại xâm và giữ yên bờ cõi. Có người thưa với vua rằng:
- Bệ hạ nên kêu khấn với Long Quân để Ngài sai thiên tướng xuống giúp thì mới xong.
Vua nghe lời, lập đàn chay trong ba ngày cầu khấn. Bỗng trời nổi cơn giông, sấm sét ầm ầm, mưa như trút nước. Rồi sau đó, một cụ già cao lớn, tóc trắng râu bạc, ngồi ở một ngã đường, vừa cười vừa nói, ca hát múa. Ai trông thấy cũng cho là lạ. Có người tâu lên vua. Vua thân hành đến mời ông cụ đến nơi làm đàn chay, đem cơm rượu ra thiết đãi. Ông cụ không ăn và cũng không nói câu nào.
Vua hỏi:
- Sắp có giặc phương Bắc xâm lăng nước Nam, xin cụ mách bảo sự thể thua được như thế nào.
Một hồi lâu, ông cụ mới nói:
- Ba năm nữa, giặc Bắc sẽ kéo đến đây. Nhà vua nên tìm trong thiên hạ, cầu người kỳ tài, thì mới phá được giặc. Khi phá được giặc thì vua nên chia đất, phong tước cho người ta. Được vậy thì việc phá giặc không khó gì.
Nói xong, cụ già bay vụt lên Trời, biến mất.
Vua tuân lời, sai sứ đi khắp trong nước để tìm người tài ra giúp nước. Bấy giờ, ở làng Phù Đổng, huyện Võ Ninh (bây giờ là Võ Giàng), có một gia đình nhà giàu, hai vợ chồng tuổi ngoài 60, sinh được một cậu con trai, đã 3 tuổi mà chưa biết nói, chỉ nằm ngửa và không ngồi dậy được. Khi nghe sứ giả đến làng truyền rao lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài ra cứu nước, bà mẹ đã nói giỡn với con rằng:
- Đẻ được một chút con trai chỉ biết ăn uống, đứng ngồi không được thì nói gì đến đánh giặc, để mà lãnh thưởng của nhà vua, đền công cha mẹ nuôi dưỡng.
Sau khi nghe nói vậy, cậu con bật nói với mẹ gọi sứ giả đến đây. Bà mẹ lấy làm lạ, đem chuyện kể cho những người láng giềng. Láng giềng thấy lạ bèn khuyên cha mẹ cậu bé thử gọi sứ giả đến xem sao.
Sứ giả đến và thấy cậu bé mới hỏi:
- Tiểu nhi kia, gọi ta đến để làm gì?
Cậu bé ngồi dậy, bảo với sứ giả:
- Sứ giả mau trở về tâu với nhà vua hãy đúc cho ta một con ngựa sắt; một thanh kiếm; và một cái nón sắt rồi đem đến cho ta. Ta sẽ ra trận, giặc thấy ta tự nhiên phải sợ mà chạy. Có gì mà phải lo.
Sứ giả mừng rỡ, trở về tâu với vua. Nhà vua tỏ ra vui mừng bảo với quần thần rằng:
- Năm ngoái ông cụ già đã nói, quả nhiên là đã có Long Vương giúp ta, không còn hồ nghi gì nữa!
Vua lập tức sai thợ rèn đúc ngựa, kiếm, mũ sắt để đưa cho cậu bé. Cha mẹ cậu bé lấy làm lo lắng, sợ con nói xằng rồi mang vạ cho cả nhà.
Cậu bé cười lớn và nói:
- Cha mẹ cứ yên tâm và hãy kiếm rượu thịt thật nhiều để con ăn.
Từ đó cậu bé lớn nhanh như thổi, ăn nhiều chưa từng thấy. Gia đình cậu tuy giàu có nhưng không đủ gạo cho cậu ăn no, không đủ vải để may áo quần. Xóm làng phải chung góp gạo vải với gia đình để nuôi cậu. Bấy giờ cậu bé đã trở thành to lớn, không thể nào ở trong nhà được nữa, dân làng phải cất một ngôi nhà to để cho cậu ở.
Khi giặc Ân kéo đến núi Châu Sơn (thuộc huyện Tiên Du), thì sứ giả đem ngựa, kiếm và mũ sắt đến trao cho cậu bé, cậu vươn vai đứng lên, cao hơn hai trượng rồi lập tức đội mũ, nhảy lên ngựa phóng đi. Ngựa hét ra lửa và chạy như bay, chỉ chớp mắt đã đến chỗ đóng quân của giặc. Theo sau là các quan quân tiến theo ra trận. Ngài xông vào trận đánh giết một hồi gẫy mất kiếm. Ngài với lấy bụi tre bên vệ đường để làm vũ khí. Đám giặc Ân bị đánh tan tác. Bọn giặc tranh nhau lạy phục xuống đất, kêu rằng:
- Lạy Ngài, Ngài là thần tướng trên Trời, chúng tôi xin hàng.
Khi đánh đến núi Ninh Sóc thì giặc tan hết. Ngài cởi áo bào để lại và cưỡi ngựa bay lên Trời. Đến bây giờ vẫn còn lại dấu người và ngựa ở trên núi.
Vua Hùng nhớ ơn, phong làm Phù Đổng Thiên Vương và cho lập miếu thờ. Sau đó vua cũng ban cho dân làng Phù Đổng một trăm mẫu ruộng tự điền. Vua cũng ra lệnh bốn mùa phải cúng tế Thiên Vương.
Giặc phương Bắc một phen kinh vía, không còn xâm phạm nước Nam nữa. Khắp nơi nghe chuyện cũng sợ và tỏ ra hòa hiếu với nước Nam.
Đến đời nhà Lý, vua gia phong làm Sung Thiên Thần Vương. Bây giờ người ta vẫn còn thờ Sung Thiên Thần Vương ở làng Gióng, và tượng được tạc trên núi Vệ Linh. Mỗi năm, dân chúng ở làng mở hội rất lớn. Những bụi tre Ngài nhổ lên đánh giặc bây giờ thành rừng ở huyện Gia Bình, gọi là tre Đằng Ngà. Chỗ con ngựa sắt thét ra lửa đốt cháy một làng, bây giờ gọi là làng Cháy.