Gà trống thông minh

Gà Trống mải chơi , không may bị lạc đường và bị rơi vào bẫy của gã Cáo độc ác. Gà Trống khóc lóc xin tha, Nhưng đời nào Cáo lại chịu! Gà Trống nghĩ ra một cách, nó nói “Anh Cáo ơi! Trước khi từ giã cõi đời, em xin được hát cho anh nghe một bài”. Cáo nghe bùi tai, lại nghĩ Gà Trống chẳng thể chạy đâu cho thoát nên đồng ý.

“Ò, ó, o! Tôi là Gà Trống, đứng trên đồi cao, nay gặp anh Cáo, biết phải làm sao?” Gà Trống lấy hết sức hát to, tiếng hát vang vọng khắp khu rừng, vang đến nơi ở của anh Chó kiểm lâm. Chó kiểm lâm vội lần theo tiếng hát phi ngay đến. Khi đã nằm bẹp dưới chân anh Chó kiểm lâm, Cáo mới hiểu ra mình bị lừa, nó rít lên giận dữ bảo Gà Trống: “Mày giả vờ hát là để kêu cứu! Thật không ngờ ta đã thua mày!”

Ba anh em

(Truyện cổ Grim)

Một người có ba con trai, cả cơ nghiệp có một cái nhà. Người con nào cũng muốn sau này, khi bố mất, nhà sẽ về mình. Ông bố thì con nào cũng quí, thành ra rất phân vân, không biết tính sao cho các con vừa lòng. Bán nhà đi thì có tiền chia cho chúng, nhưng là của hương hỏa nên ông không muốn bán. Sau ông nghĩ được một kế, bảo các con:

- Chúng mày hãy đi chu du thiên hạ, thử gan thử sức một phen. Mỗi đứa học lấy một nghề. Đứa nào giỏi nhất, bố cho cái nhà.

Ba người con lấy làm thích lắm. Người con cả muốn trở thành thợ đóng móng ngựa, người thứ hai muốn làm thợ cạo, còn người em út muốn làm thầy dạy võ. Ba anh em hẹn nhau ngay về, rồi chia tay ra đi.

Cả ba người đều gặp được thầy giỏi truyền cho biết hết bí quyết nhà nghề. Người đóng móng ngựa được làm việc cho nhà vua và nghĩ bụng: "Phen này, chắc nhà không thoát khỏi tay mình". Người thợ cạo được sửa tóc cho những nhà quyền quí nên chắc mẩm là được nhà. Anh học võ bị đấm nhiều miếng nhưng vẫn cắn răng chịu, nghĩ bụng: "Nếu sợ bị đấm thì bao giờ được nhà?".

Đến hẹn, ba anh em trở về nhà. Nhưng chẳng ai biết làm thế nào để thi thố tài nghệ của mình, bèn ngồi bàn với nhau. Đương lúc ấy chợt có một chú thỏ băng qua cánh đồng. Anh thợ cạo reo lên: "May quá, thật là vừa đúng dịp". Anh liền cầm đĩa xà phòng, đánh
bọt, đợi thỏ ta đến gần, anh vừa chạy theo vừa quét xà phòng, cạo râu thỏ mà không hề làm thỏ xầy da chút nào. Người bố khen: "Khá lắm! Nếu hai thằng kia không làm được trò gì hay hơn thế thì cho mày cái nhà".

Một lát sau có một cỗ xe ngựa chạy qua như bay. Anh đóng móng ngựa nói: "Bố xem tài con nhé!". Anh liền chạy đuổi theo cỗ xe, tháo bốn móng sắt của một con ngựa và thay luôn bốn móng mới trong khi ngựa vẫn phi đều. Người bố lại khen: "Mày giỏi lắm! Mày chẳng kém gì em mày. Không biết cho đứa nào cái nhà đây!".

Lúc bấy giờ người con út mới nói:

- Thưa bố, bây giờ đến lượt con, bố cho con thử tài.

Vừa lúc ấy trời bắt đầu mưa. Anh ta rút ngay gươm múa kín trên đầu, người không dính một giọt nước nào. Trời mưa ngày càng to, anh ta múa càng hăng, áo quần vẫn khô như đứng nơi kín đáo. Người bố ngạc nhiên quá reo lên:

- Con thật là tài nhất! Thôi con được cái nhà rồi.

Hai anh cũng phục người em út lắm và đồng ý với cha. Ba anh em rất mực thương nhau nên ở cùng một nhà, mỗi người làm nghề của mình. Họ tài khéo nên kiếm được nhiều tiền. Họ sống sung sướng như vậy mãi cho đến lúc tuổi già, một người ốm chết, hai người kia buồn rầu cũng chết theo. Cả ba anh em vừa khéo vừa giỏi, lại vừa quí mến lẫn nhau, đều được chôn chung một mộ.

Bác nông dân và con quỷ

(Truyện cổ Grim)

Xưa có một bác nông dân khôn ngoan ranh mãnh, mẹo vặt của bác thì không sao kể hết được. Lý thú nhất là chuyện bác có lần lừa được cả quỷ.

Một hôm, trời xẩm tối, bác cày ruộng xong, sửa soạn về nhà thì thấy ở trên mảnh ruộng của mình một đống than hồng. Bác lấy làm lạ đến gần thì thấy một con quỉ nhỏ đen xì ngồi trên lửa. Bác bảo:

- Mày ngồi trên đống của đấy à?

Quỷ đáp:

- Đúng rồi, ngồi trên đống của, chú mày suốt đời chưa thấy nhiều vàng bạc đến thế đâu!

Bác nông dân nói:

- Của cải trên đất của ta là thuộc về ta.

Quỷ đáp:

- Ừ, nó thuộc về chú mày, nếu chú mày làm ruộng hai vụ, hoa lợi được bao nhiêu chú mày chịu chia cho ta một nửa. Tiền thì ta có khối, ta chỉ thèm có ít hoa lợi thôi.

Bác nông dân nhận lời, bảo:

- Để sau này chia nhau khỏi lôi thôi, mày sẽ lấy cái gì mọc ở trên mặt đất, tao sẽ lấy cái gì mọc ở dưới.

Quỷ đồng ý. Bác nông dân đa mưu trồng củ cải. Đến mùa bới củ cải, quỷ hiện lên để lấy phần hoa lợi của mình thì chỉ thấy rặt có lá úa vàng, còn bác nông dân thì được bới củ, thích chí lắm. Quỷ bảo:

- Thôi được, chú mày đã lừa được ta một chuyến, chuyến sau thì đừng có hòng. Cái gì mọc trên mặt đất thì chú mày lấy, còn ta sẽ lấy cái gì mọc ở dưới.

Bác nông dân đáp:

- Thế cũng được.

Đến mùa, bác không trồng củ cải nữa mà gieo lúa. Lúa chín, bác ra đồng cắt lúa gần sát đất. Quỷ đến thấy chỉ có gốc rạ tức quá chui xuống vực. Bác nông dân nói:

- Ấy đối với cáo già thì phải cho một vố như thế.

Rồi bác đi lấy của.

Vua quạ

Ngày xưa có một ông vua sinh được một cô con gái đẹp tuyệt trần, nhưng kiêu căng ngạo ngược. Ai đến hỏi cô làm vợ, cô cũng chê bai giễu cợt. Một hôm, vua mở tiệc mời tất cả những ai muốn làm phò mã đến và xếp đặt chỗ ngồi theo thứ bậc: trước hết là vua, rồi đến các ông hoàng, các vị công tước, các nhà hiệp sĩ, sau cùng là các nhà quí phái thường. Họ đều được giới thiệu với công chúa, nhưng người nào nàng cũng chê tật nọ tật kia. Người này thì béo quá, như "thùng rượu", người kia thì "cao kều chẳng ra cái điệu bộ gì". Người thứ ba thì "béo lùn, đến là thô", người thứ tư "trắng bệch như xác chết", người thứ năm thì "đỏ như gà sống", người thứ sáu thì người không ngay ngắn "y như thanh củi tươi sấy cạnh lò". Nói tóm lại, nàng thấy ai cũng có tật cả, nhất là một ông vua ngồi ở thứ vị cao nhưng phải cái cằm quằm quặp bị nàng chế giễu táo tợn:

- Trời ơi, cằm anh này như mỏ quạ!

Từ đó người ta đặt tên cho ông vua cái tên là Vua Quạ.

Vua cha thấy công chúa chế nhạo khinh miệt tất cả những chàng đến hỏi, giận lắm, thề sẽ gả cô cho người nào đến ăn mày đầu tiên ở cửa cung.

Vài hôm sau, có gã nhạc sĩ nghèo đến hát bên cửa sổ để kiếm ít đồng tiền. Vừa nghe thấy tiếng hát, vua cho gọi gã vào. Người ấy ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, đứng hát trước mặt vua
và công chúa, rồi xin nhà vua bố thí cho ít nhiều. Vua phán:

- Nhà ngươi hát hay lắm, ta sẽ gả con gái cho.

Công chúa giật bắn người lên.

Vua lại nói:

- Ta đã thề gả con cho người ăn mày nào đến cửa ta trước nhất. Ta sẽ giữ lời thề.

Công chúa van xin cũng không được. Vua cho mời thầy tu đến làm phép cưới ngay tức khắc. Công việc xong xuôi, vua bảo công chúa:

- Không có thói phép đâu vợ một người ăn mày lại được ở trong cung điện, vậy con phải đi theo chồng.

Người ăn mày bèn cầm tay công chúa dắt đi. Cô nàng phải đi bộ. Khi đi đến một khu rừng rộng, nàng hỏi:

- Chao ôi! Khu rừng đẹp này của ai?

Người ta trả lời:

- Của Vua Quạ đấy. Nếu nàng lấy ông ấy thì khu rừng này đã là của nàng rồi!

Nàng than:

- Rõ khổ thân tôi chưa! Nếu tôi lấy Vua Quạ thì...

Khi hai vợ chồng đi qua một cánh đồng cỏ, nàng lại hỏi:

- Cánh đồng cỏ xanh đẹp này của ai?

- Của Vua Quạ đấy. Nếu nàng lấy nhà vua thì cánh đồng này là của nàng rồi!

Nàng lại than:

- Rõ tội nghiệp tôi chưa! Nếu tôi thuận lấy Vua Quạ thì...

Khi hai vợ chồng đi đến một thành phố lớn, nàng lại hỏi:

- Thành phố lớn này của ai?

- Của Vua Quạ đấy. Nếu nàng lấy nhà vua thì thành phố này là của nàng rồi!

Nàng than:

- Rõ khổ thân tôi chưa! Nếu tôi lấy Vua Quạ thì...

Anh chồng cự:

- Tôi không thích cô cứ luôn mồm nói là muốn lấy một anh chồng khác. Thế cái thứ tôi không xứng hay sao?

Sau cùng, hai vợ chồng đến một cái nhà nhỏ tí xíu.

Vợ nói:

- Trời ơi là trời! Nhà ai mà bé nhỏ tồi tàn thế này?

Chồng đáp:

- Đây là nhà của tôi và của cô đấy. Vợ chồng ta sẽ ở đây với nhau.

Nhà thấp quá, cô ả phải cúi khom lưng mới vào được. Vợ hỏi:

- Đầy tớ đâu cả?

Người ăn xin đáp:

- Đầy tớ à? Muốn gì thì phải làm lấy chứ. Nhóm bếp ngay đi để đun nước, nấu bữa chiều. Tôi mệt lử rồi.

Công chúa không biết nhóm lửa vào bếp, chồng lại phải nhúng tay vào. Bữa ăn chẳng có gì. Ăn xong vợ chồng đi ngủ. Hôm sau, chồng đánh thức vợ dậy thật sớm sai làm việc nhà. Vợ chồng sống với nhau vài ngày như thế thì thức ăn hết sạch sành sanh. Chồng bèn bảo vợ:

- Này cô, chúng mình không thể ăn dưng ngồi rồi mãi thế này, cô phải đan rổ rá mà bán.

Chồng đi cắt mây về cho vợ đan. Nhưng nan rổ làm sây sát cả bàn tay mịn màng của cô.
Chồng thấy vậy bảo:

- Việc này cô không làm nổi rồi. Thôi cô xe chỉ có lẽ hơn.

Vợ ngồi thử xe, nhưng chỉ cứa vào ngón tay mềm mại làm bật máu ra. Chồng nói:

- Cô thật là đoảng. Tôi vớ phải cô cũng đến khổ. Thôi để tôi thử buôn đồ gốm cho cô ra chợ ngồi bán.

Vợ nghĩ thầm:

- Khổ quá! Nếu bầy tôi cha ta trông thấy ta ngồi chợ bán đồ gốm thì họ sẽ cười ta đến chết mất!

Nhưng chẳng dừng được, cô ả phải đành làm vậy, nếu không thì chết đói.

Lúc đầu, công việc cũng chạy vì ai thấy cô hàng xinh đẹp cũng đến mua hàng không mặc cả, thậm chí có anh trả tiền mà không lấy hàng. Hai vợ chồng sinh sống bằng tiền lãi. Hết hàng, chồng lại đi mua một mẻ về. Vợ ngồi góc chợ bày hàng bán. Bỗng một hôm có tên lính kỵ mã say rượu phóng ngựa đến, đồ gốm vỡ tan tành, cô ả sợ quá không biết làm thế nào, khóc lóc kể lể:

- Trời ơi! Vận hạn khổ quá! Chồng tôi nó sẽ mắng tôi không ra gì đây.

Cô chạy về nhà, kể lại cho chồng nghe. Chồng nói:

- Có đời thủa nhà ai bán đồ gốm mà lại đi ngồi ở đầu chợ! Thôi đừng khóc nữa đi, cô đoảng lắm, không làm ăn gì được. Tôi đã hỏi ở cung vua xem người ta có cần hầu bếp không, thì người ta đã hứa nuôi cô cho ăn.

Thế là công chúa phải đi làm hầu bếp, để đầu bếp sai bảo, làm việc nặng nhất. Chiều chiều, cô mang phần thức ăn thừa về hai vợ chồng cùng ăn, thức ăn đựng vào hai chiếc bình nhét vào túi buộc hai bên người.

Bấy giờ nhân dịp cưới thái tử, người ta đang chuẩn bị đại hội. Cô ả đứng trước cửa hội trường để xem. Thấy đèn đuốc sáng choang, khách khứa ăn mặc lộng lẫy, cô xót xa cho thân phận, trách mình vì kiêu căng mà đến nỗi này. Thỉnh thoảng, những người hầu vứt cho cô ít miếng lấy ở thức ăn bưng ra bưng vào thơm phức. Cô bỏ vào bình đem về cho chồng.

Chợt Hoàng tử bước vào, mình mặc đồ nhung lụa, cổ đeo dây chuyền vàng. Thấy thiếu phụ đẹp ấy đứng ở cửa, chàng cầm tay mời vào nhảy; nhưng cô sợ hãi, chối từ vì cô không nhận ra đó là ông Vua Quạ trước kia đã hỏi cô mà cô chê không thèm lấy. Cô từ chối không được, phải theo gót vua vào phòng. Bỗng cái giải buộc đứt, hai cái bình lăn ra đất, xúp đổ lênh láng và bánh vãi tung tóe. Mọi người thấy vậy cười rộ lên chế nhạo, cô thẹn quá chỉ mong độn thổ. Cô chạy ù té ra cửa để trốn, nhưng một người đuổi kịp cô ở cầu thang, lại dẫn cô vào. Cô lại nhận được ra là Vua Quạ. Vua thân ái bảo cô:

- Nàng đừng sợ, người nhạc sĩ cùng ở với nàng ở căn nhà nhỏ bé tồi tàn và tôi đây chỉ là một người. Vì yêu nàng, tôi đã trá hình tạm làm người ăn xin. Người lính kỵ mã say rượu đã làm vỡ hàng của nàng cũng lại là tôi. Tôi đã làm như vậy để cho nàng hết tính kiêu căng và trị nàng về tội đã khinh miệt tôi.

Cô khóc thổn thức và nói:

- Em đã không phải đối với chàng lắm rồi, em không đáng làm vợ chàng đâu...

Nhưng vua nói:

- Em nín đi, những ngày đen tối đã qua rồi, bây giờ đôi ta làm lễ cưới.

Thị nữ mang đến cho cô quần áo lộng lẫy. Vua cha và cả quần thần cũng tới chúc cô bách niên giai lão với Vua Quạ. Cuộc vui thật sự bây giờ mới bắt đầu. Ước gì tôi cùng bạn được đến dự nhỉ!

(Truyện cổ Grim)

Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến lỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh ai là em. Năm hai anh em mười bảy mười tám tuổi thì cha mẹ đều chết cả. Hai anh em vốn đã thương yêu nhau, nay gặp cảnh hiu quạnh, lại càng yêu thương nhau hơn trước.

Không còn được cha dậy dỗ cho nữa, hai anh em đến xin học tại nhà ông đồ họ Lưu. Hai anh em học hành chăm chỉ lại đứng đắn nên được thầy yêu như con. Ông Lưu có một cô con gái tuổi chừng mười sáu mười bảy, nhan sắc tươi tắn, con gái trong vùng không người nào sánh kịp.

Trông thấy hai anh em họ Cao vừa đẹp vừa hiền, người con gái đem lòng yêu mến, muốn kén người anh làm chồng, nhưng không biết người nào là anh, người nào là em.

Một hôm, nhân nhà nấu cháo, người con gái lấy một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn. Thấy người em nhường người anh ăn, người con gái mới nhận được ai là anh, ai là em. Sau đó, người con gái nói với cha mẹ cho phép mình lấy người anh làm chồng.

Từ khi người anh có vợ, tình thương yêu giữa hai anh em không được thắm thiết nữa. Người em rất buồn, nhưng người anh vô tình không để ý.

Một hôm hai anh em cùng lên nương, tối mịt mới về, người em vào nhà trước; chàng vừa bước chân qua ngưỡng cửa thì người chị dâu ở trong buồng chạy ra lầm chàng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Người em liền kêu lên, cả hai đều xấu hổ. Giữa lúc ấy, người anh cũng bước vào nhà. Từ đấy người anh nghi em có tình ý với vợ mình, càng hững hờ với em hơn trước.

Một buổi chiều, anh chị đều đi vắng cả, người em ngồi một mình nhìn ra khu rừng xa xa, cảm thấy cô quạnh, lại càng buồn tủi, vùng đứng dậy ra đi.

Chàng đi, đi mãi cho đến khu rừng phía trước mặt, rồi theo đường mòn đi thẳng vào rừng âm u. Trời bắt đầu tối, trăng đã lên, mà chàng vẫn cứ đi. Đi đến một con suối rộng nước sâu và xanh biếc, chàng không lội qua được, đành ngồi nghỉ bên bờ. Chàng khóc thổn thức, tiếng suối reo và cứ reo, át cả tiếng khóc của chàng. Đêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều, sương lạnh thấm dần vào da thịt chàng, chàng chết mà vẫn ngồi trơ trơ, biến thành một tảng đá.

Người anh cùng vợ về nhà, không thấy em đâu, lẳng lặng đi tìm, không nói cho vợ biết. Theo con đường mòn vào rừng, chàng đi mãi, đi mãi, và sau cùng đến con suối xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng và không thể lội qua được, đành ngồi bên bờ suối, tựa mình vào một tảng đá. Chàng có ngờ đâu chính tảng đá là em mình! Sương vẫn xuống đều, sương lạnh rơi lã chã từ cành lá xuống. Chàng rầu rĩ khóc than hồi lâu, ngất đi và chết cứng, biến thành một cây không cành, mọc thẳng bên tảng đá.

Ở nhà, vợ không thấy chồng đâu, vội đi tìm và cũng theo con đường mòn đi vào rừng thẳm. Nàng đi mãi, bước thấp bước cao, rồi cuối cùng gặp con suối nước sâu và xanh biếc. Nàng không còn đi được nữa. Nàng ngồi tựa vào gốc cây không cành mọc bên tảng đá, vật mình than khóc. Nàng có ngờ đâu nàng đã ngồi tựa vào chồng mình và sát đó là em chồng. Nàng than khóc, nhưng tiếng suối to hơn cả tiếng than khóc của nàng. Đêm đã ngả dần về sáng, sương xuống càng nhiều, mù mịt cả núi rừng, nàng vật vã khóc than. Chưa đầy nửa đêm mà nàng đã mình gầy xác ve, thân mình dài lêu nghêu, biến thành một cây leo quấn chặt lấy cây không cành mọc bên tảng đá.

Về sau chuyện ấy đến tai mọi người, ai nấy đều thương xót. Một hôm, vua đi qua chỗ ấy, nhân dân đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe. Vua bảo thử lấy lá cây leo và lấy quả ở cái cây không cành nghiền với nhau xem sao, thì thấy mùi vị cay cay. Nhai thử, thấy thơm ngon và nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước biến dần ra sắc đỏ. Nhân dân gọi cái cây mọc thẳng kia là cây cau, cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau, cho miệng thơm, môi đỏ.

Tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn keo sơn, thắm thiết, cho nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu mối lương duyên, và khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, tục ăn trầu đã trở thành tục cố hữu của dân tộc Việt Nam.

Phù Đổng Thiên Vương

Vào đời Hùng Vương thứ sáu, thiên hạ bình yên; dân gian sống trong cảnh thái bình. Vua Hùng không triều cống nhà Ân bên Tàu. Thấy vậy, vua nhà Ân sai người giả đi tuần thú, tìm cách xâm chiếm nước Nam.

Hùng Vương lo sợ, cho vời quần thần vào để hỏi mưu mẹo đánh giặc ngoại xâm và giữ yên bờ cõi. Có người thưa với vua rằng:

- Bệ hạ nên kêu khấn với Long Quân để Ngài sai thiên tướng xuống giúp thì mới xong.

Vua nghe lời, lập đàn chay trong ba ngày cầu khấn. Bỗng trời nổi cơn giông, sấm sét ầm ầm, mưa như trút nước. Rồi sau đó, một cụ già cao lớn, tóc trắng râu bạc, ngồi ở một ngã đường, vừa cười vừa nói, ca hát múa. Ai trông thấy cũng cho là lạ. Có người tâu lên vua. Vua thân hành đến mời ông cụ đến nơi làm đàn chay, đem cơm rượu ra thiết đãi. Ông cụ không ăn và cũng không nói câu nào.

Vua hỏi:

- Sắp có giặc phương Bắc xâm lăng nước Nam, xin cụ mách bảo sự thể thua được như thế nào.

Một hồi lâu, ông cụ mới nói:

- Ba năm nữa, giặc Bắc sẽ kéo đến đây. Nhà vua nên tìm trong thiên hạ, cầu người kỳ tài, thì mới phá được giặc. Khi phá được giặc thì vua nên chia đất, phong tước cho người ta. Được vậy thì việc phá giặc không khó gì.

Nói xong, cụ già bay vụt lên Trời, biến mất.

Vua tuân lời, sai sứ đi khắp trong nước để tìm người tài ra giúp nước. Bấy giờ, ở làng Phù Đổng, huyện Võ Ninh (bây giờ là Võ Giàng), có một gia đình nhà giàu, hai vợ chồng tuổi ngoài 60, sinh được một cậu con trai, đã 3 tuổi mà chưa biết nói, chỉ nằm ngửa và không ngồi dậy được. Khi nghe sứ giả đến làng truyền rao lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài ra cứu nước, bà mẹ đã nói giỡn với con rằng:

- Đẻ được một chút con trai chỉ biết ăn uống, đứng ngồi không được thì nói gì đến đánh giặc, để mà lãnh thưởng của nhà vua, đền công cha mẹ nuôi dưỡng.

Sau khi nghe nói vậy, cậu con bật nói với mẹ gọi sứ giả đến đây. Bà mẹ lấy làm lạ, đem chuyện kể cho những người láng giềng. Láng giềng thấy lạ bèn khuyên cha mẹ cậu bé thử gọi sứ giả đến xem sao.

Sứ giả đến và thấy cậu bé mới hỏi:

- Tiểu nhi kia, gọi ta đến để làm gì?

Cậu bé ngồi dậy, bảo với sứ giả:

- Sứ giả mau trở về tâu với nhà vua hãy đúc cho ta một con ngựa sắt; một thanh kiếm; và một cái nón sắt rồi đem đến cho ta. Ta sẽ ra trận, giặc thấy ta tự nhiên phải sợ mà chạy. Có gì mà phải lo.

Sứ giả mừng rỡ, trở về tâu với vua. Nhà vua tỏ ra vui mừng bảo với quần thần rằng:

- Năm ngoái ông cụ già đã nói, quả nhiên là đã có Long Vương giúp ta, không còn hồ nghi gì nữa!

Vua lập tức sai thợ rèn đúc ngựa, kiếm, mũ sắt để đưa cho cậu bé. Cha mẹ cậu bé lấy làm lo lắng, sợ con nói xằng rồi mang vạ cho cả nhà.

Cậu bé cười lớn và nói:

- Cha mẹ cứ yên tâm và hãy kiếm rượu thịt thật nhiều để con ăn.

Từ đó cậu bé lớn nhanh như thổi, ăn nhiều chưa từng thấy. Gia đình cậu tuy giàu có nhưng không đủ gạo cho cậu ăn no, không đủ vải để may áo quần. Xóm làng phải chung góp gạo vải với gia đình để nuôi cậu. Bấy giờ cậu bé đã trở thành to lớn, không thể nào ở trong nhà được nữa, dân làng phải cất một ngôi nhà to để cho cậu ở.

Khi giặc Ân kéo đến núi Châu Sơn (thuộc huyện Tiên Du), thì sứ giả đem ngựa, kiếm và mũ sắt đến trao cho cậu bé, cậu vươn vai đứng lên, cao hơn hai trượng rồi lập tức đội mũ, nhảy lên ngựa phóng đi. Ngựa hét ra lửa và chạy như bay, chỉ chớp mắt đã đến chỗ đóng quân của giặc. Theo sau là các quan quân tiến theo ra trận. Ngài xông vào trận đánh giết một hồi gẫy mất kiếm. Ngài với lấy bụi tre bên vệ đường để làm vũ khí. Đám giặc Ân bị đánh tan tác. Bọn giặc tranh nhau lạy phục xuống đất, kêu rằng:

- Lạy Ngài, Ngài là thần tướng trên Trời, chúng tôi xin hàng.

Khi đánh đến núi Ninh Sóc thì giặc tan hết. Ngài cởi áo bào để lại và cưỡi ngựa bay lên Trời. Đến bây giờ vẫn còn lại dấu người và ngựa ở trên núi.

Vua Hùng nhớ ơn, phong làm Phù Đổng Thiên Vương và cho lập miếu thờ. Sau đó vua cũng ban cho dân làng Phù Đổng một trăm mẫu ruộng tự điền. Vua cũng ra lệnh bốn mùa phải cúng tế Thiên Vương.

Giặc phương Bắc một phen kinh vía, không còn xâm phạm nước Nam nữa. Khắp nơi nghe chuyện cũng sợ và tỏ ra hòa hiếu với nước Nam.

Đến đời nhà Lý, vua gia phong làm Sung Thiên Thần Vương. Bây giờ người ta vẫn còn thờ Sung Thiên Thần Vương ở làng Gióng, và tượng được tạc trên núi Vệ Linh. Mỗi năm, dân chúng ở làng mở hội rất lớn. Những bụi tre Ngài nhổ lên đánh giặc bây giờ thành rừng ở huyện Gia Bình, gọi là tre Đằng Ngà. Chỗ con ngựa sắt thét ra lửa đốt cháy một làng, bây giờ gọi là làng Cháy.

Cây nêu ngày tết

Ngày ấy, không biết từ bao giờ và cũng không biết bằng cách gì, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Ngư­ời chỉ ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của Quỷ. Quỷ đối với ngư­ời ngày càng quá tay. Chúng dần tăng số phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng chúng bắt Ngư­ời phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nghĩ ra là "ăn ngọn cho gốc". Ng­ười không chịu. Chúng dùng áp lực bắt phải theo. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt. Ngư­ời chỉ còn trơ những rạ là rạ. Cảnh tư­ợng x­ương bọc da thê thảm diễn ra khắp mọi nơi bên cạnh bọn Quỷ reo cư­ời đắc ý.

Phật từ phư­ơng Tây lại, có ý định giúp ngư­ời chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của Quỷ. Sau mùa đó, Phật bảo Ngư­ời đừng trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Ngư­ời cứ y lời làm đúng như­ lời Phật dặn. Quỷ không ngờ Ngư­ời đã bắt đầu có m­ưu kế chống lại mình nên cứ nêu đúng thể lệ như­ mùa tr­ước: "Ăn ngọn cho gốc".

Mùa thu hoạch ấy, Quỷ rất hậm hực nhìn thấy những gánh chạy về nhà Ng­ười đổ thành từng đống lù lù, còn nhà mình chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhá nổi. Nh­ưng ác nỗi, thể lệ đã quy định, chúng đành cứng họng không chối cãi vào đâu đư­ợc.

Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là "Ăn gốc cho ngọn". Phật bảo ngư­ời lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo ng­ười về nhà, còn rạ phó mặc cho Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng tuyên bố "Ăn cả gốc lẫn ngọn". Lần này Quỷ nghĩ:

- Cho chúng nó muốn trồng gì thì trồng, đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng tao.

Như­ng Phật đã bàn với Ngư­ời thay đổi giống mới. Phật trao cho Ngư­ời hạt giống cây ngô để gieo khắp mọi nơi mọi chỗ.

Năm ấy có một lần nữa, Ng­ời sung s­ớng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà Ng­ười thóc ăn chư­a hết thì từng gánh ngô đã tiến về chứa từng cót đấy ăm ắp. Về phần quỷ lại bị một vố cay chua, uất ức hàng mấy ngày liền. cuối cùng Quỷ nhất định bắt Ngư­ời phải trả tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Trong bụng chúng nghĩ:

- Thà không đ­ược cái gì cả, còn hơn là để cho chúng nó ăn một mình.

Phật bảo Ngư­ời điều đình với Quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là Ngư­ời sẽ trồng một cây tre bao nhiêu diện tích ở mặt đất là đất của Ng­ười sở hữu ở đó. Ban đầu Quỷ không thuận nh­ưng sau chúng nó suy tính thấy đất tậu ít mà giá rất hời bèn nhận lời:

-Ồ! Bằng chiếc áo cà sa có là bao nhiêu.

Chúng nó nghĩ thế. Hai bên làm tờ giao ­ước: Ngoài bóng tre là đất của Quỷ, trong bóng tre là đất của Ngư­ời.

Khi Ng­ười trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay toả ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hoá phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên đất trời trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn Quỷ không ngờ có sự phi thường nh­ư thế; mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất của chúng, chúng phảii dắt nhau lùi mãi lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển đông. Vì thế ngư­ời ta mới gọi là Quỷ Đông.

Tiếc vì đất đai hoa màu đều thuộc về tay Ng­ười, Quỷ rất hậm hực, cố chiêu tập binh mã vào cướp lại. Lần này Ng­ười phải chiến đấu với Quỷ rất gay go vì quân đội của Quỷ có đủ một bầy ác thú như­ voi, ngựa, chó, ngao, bạch xà, hắc hổ, v.v... rất hung dữ. Phật cầm gậy tầm xích đánh giúp Ngư­ời làm quân của Quỷ không tiến lên đ­ược.

Sau mấy trận bất lợi, Quỷ bèn cho quân đi dò xem Phật sợ gì. Phật cho chúng biết là sợ hoa qủ, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc. Đối lại Phật cũng dò hỏi và biết quân của Quỷ chỉ sợ độc có mấy thứ : máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Lần giáp chiến sau đó, quân của Quỷ đem không biết cơ man nào là hoa quả đến ném Phật, Phật bảo Ngư­ời nhặt làm l­ương ăn rồi đem máu chó vẩy khắp nơi. Quân của Quỷ thấy máu chó, sợ hoảng hồn bỏ chạy.

Lần thứ hai, quân của Quỷ lại đem oản chuối vào ném quân Phật. Phật bảo Ngư­ời nhặt làm lương ăn rồi giã tỏi phun vào quân địch. Quân của Quỷ không chịu đ­ược mùi tỏi, nên cũng cắm đầu chạy biệt tích.

Lần thứ ba, quân của Quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc vào ném quân Phật. Ng­ười ta tha hồ ăn và theo lời Phật dùng vôi bột vung vào Quỷ. Ng­ười lại lấy lá dứa quất vào chúng. Quỷ chạy không kịp, lại bị Phật bắt đày ra biển đông. Ngày Quỷ già, Quỷ trẻ, Quỷ đực, Quỷ cái cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu sát đất cố xin Phật th­ương tình cho phép một năm đ­ược hai ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày tr­ước. Phật thấy chúng khóc váng cả lên mới thư­ơng hại hứa cho.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày tết Nguyên Đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì ngư­ời ta theo tục trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ ng­ười đang ở. Trên nêu có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, ngư­ời ta còn vẽ hình cung tên hư­ớng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

Có câu tục ngữ:

Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)

Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.

Quỷ vào thì Quỷ lại ra.

Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm

Ngày xư­a ngư­ời ta còn tin rằng những lúc cần đuổi quỷ như­ khi có dịch tễ chẳng hạn, thì treo một nắm lá dứa ở tr­ước ngõ hay vẩy máu chó khắp nơi cho Quỷ khỏi quấy. Đàn bà thường buộc tỏi vào giải yếm là cũng có một mục đích gần như­ vậy.